Hiện nay, hộ khẩu thường trú không còn là khái niệm xa lạ đối với mỗi gia đình người Việt, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu rõ về thuật ngữ này. Vì vậy, hãy cùng diaoc101.com giải đáp hộ khẩu thường trú là gì và một số điều cần biết về hộ khẩu thường trú qua bài viết dưới đây nhé!
Hộ khẩu thường trú là gì
Hộ khẩu thường trú thường hay được gọi tắt là sổ hộ khẩu. Đây là một loại sổ được các cơ quan công an cấp cho các hộ gia đình, nhằm ghi chép những thông tin xác thực về các thành viên có thể bao gồm ông bà, bố, mẹ, các con cháu trong gia đình. Sổ hộ khẩu kê khai đầy đủ những thông tin cơ bản của mỗi thành viên như họ tên, nghề nghiệp, quê quán, ngày tháng năm sinh, nơi đăng ký thường trú,…
Mỗi gia đình được cấp một quyển sổ hộ khẩu. Trong hộ khẩu thường trú, trang đầu tiên trong sổ là thông tin của chủ hộ, có trách nhiệm quản lý gia đình. Mỗi con cái được sinh ra sau khi lập sổ, chủ hộ phải mang sổ kèm giấy tờ liên quan lên cơ quan công an để nhập tên con cái vào hộ khẩu. Nếu bị mất sổ, chủ hộ cần đến cơ quan công an để xin cấp lại sổ.
Sổ hộ khẩu là một trong những giấy tờ rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến nhiều quyền lợi cơ bản của công dân để kê khai với các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, nó là công cụ quan trọng giúp cho các cơ quan nhà nước quản lý việc sinh sống và di chuyển của công dân Việt Nam một cách thuận tiện, dễ dàng.
Phân biệt hộ khẩu thường trú và hộ khẩu tạm trú
Mặc dù, hộ khẩu thường trú và hộ khẩu tạm trú đều có sự giống nhau là kê khai thông tin cá nhân của mỗi hộ gia đình tại nơi cư trú nhưng vẫn có sự khác biệt. Trên thực tế, cũng có rất nhiều người hay bị nhầm lẫn giữa hai loại sổ này. Hãy phân biệt chi tiết hai loại sổ thông qua bảng dưới đây:
Tiêu chí | Hộ khẩu thường trú | Hộ khẩu tạm trú |
Định nghĩa | là nơi người đăng ký hộ khẩu thường trú sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú ở nơi bạn sinh sống. | là nơi người đăng ký hộ khẩu tạm trú sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú |
Thời hạn cư trú | Không có thời hạn | tối đa là 24 tháng (02 năm) và được gia hạn lại nhiều lần |
Điều kiện | Một trong các trường hợp dưới đây:
– Có chỗ ở hợp pháp – Được nhập khẩu về nhà người thân, gia đình, anh chị em… – Được phân công, điều đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. – Được người cho thuê, mượn, ở nhờ tại các cá nhân, cơ sở, tổ chức (cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức xã hội …) |
Thỏa mãn 2 điều kiện sau đây:
– Sinh sống tại nơi ở hợp pháp ngoài phạm vi nơi đã đăng ký thường trú |
Hạn phải đăng ký | 12 tháng (1 năm) kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện | – Không quy định. – Sinh sống trên 30 ngày |
Quy định về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú
Theo Luật Cư trú 2006, nơi thường trú (địa chỉ thường trú) là nơi sinh sống thường xuyên, ổn định, không bị giới hạn thời hạn cư trú tại một nơi ở nhất định của công dân và đã có đăng ký thường trú. Công dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại cơ quan đăng ký cư trú tại nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, quy định nơi đăng ký hộ khẩu vẫn có một số sự khác nhau:
Đăng ký sổ hộ khẩu ở nông thôn
Theo quy định mới tại Điều 19 Luật Cư trú năm 2020, để được đăng ký hộ khẩu công dân chỉ cần có một điều kiện duy nhất là có chỗ ở hợp pháp. Thông thường, việc đăng ký hộ khẩu ở nông thôn, có quê quán, nguồn gốc ở nơi mình đang sinh sống nên thủ tục đơn giản, dễ dàng hơn các thành phố lớn. Công dân cũng dễ dàng được cấp sổ hộ khẩu vì đã sinh sống ở đó lâu dài. Bên cạnh đó, sổ hộ khẩu liên quan trực tiếp đến ruộng đất, nộp các loại thuế phí ở địa phương nơi sinh sống.
Đăng ký sổ hộ khẩu ở thành phố
Ở các thành phố, có nhiều công dân ở ngoại tỉnh đến cư trú, sinh sống và làm việc nên phần quản lý có phần chặt chẽ hơn. Nếu muốn đăng ký hộ khẩu thường trú, bạn phải có nhà thuộc quyền sở hữu của mình. Nếu là nhà đi thuê hoặc mượn cũng cần giấy tờ chứng minh sự đồng ý, xác nhận của chủ hộ. Căn nhà bạn sở hữu hoặc thuê mượn phải có đủ diện tích tối thiểu theo quy định.
Ngoài ra, nếu là thành phố trực thuộc Trung ương, bạn cũng cần có giấy đăng ký tạm trú có thời hạn từ một năm trở lên tính từ thời điểm tạm trú đến khi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Đăng ký hộ khẩu thường trú cần những giấy tờ gì
Theo quy định về hồ sơ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Điều 21 Luật Cư trú 2020, tùy thuộc vào các trường hợp khác nhau mà chuẩn bị những loại giấy tờ khác nhau. Nhìn chung cần chuẩn bị chi tiết những giấy tờ sau đây:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo các thông tin trong mẫu tờ khai.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp đối với trường hợp công dân đã có chỗ ở hợp pháp.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ thân nhân, thành viên trong gia đình đối với trường hợp công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu cá nhân của chủ hộ.
- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp cho thuê, mượn hoặc ở nhờ.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh, xác nhận được hoạt động tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, người đại diện, hoặc nuôi dưỡng, chăm sóc công dân trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
- Văn bản xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc đề nghị của người đứng đầu cơ sở bảo trợ xã hội đối với các trường hợp công dân đăng ký thường trú trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trung tâm bảo trợ xã hội.
- Giấy chuyển khẩu, đối với trường hợp chuyển khẩu
Chi tiết hơn, bạn có thể xem thêm tại Điều 21 Luật Cư trú 2020 68/2020/QH14 mới nhất.
Quy trình đăng ký hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu)
Có hai cách để đăng ký hộ khẩu thường trú đó là: đăng ký tại nơi cư trú và đăng ký qua hình thức online.
Đăng ký sổ hộ khẩu tại nơi cư trú
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ như đã nói ở trên theo quy định của pháp luật.
– Bước 2: Nộp hồ sơ tại Công an cấp xã nơi xin đăng ký hộ khẩu thường trú. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ kiểm tra hồ sơ xem đã đủ điều kiện, đầy đủ và hợp lệ chưa. Nếu chưa đủ hồ sơ và các điều kiện pháp lý, bạn sẽ được yêu cầu bổ sung hồ sơ, hoặc từ chối tiếp nhận. Còn nếu đã đủ hồ sơ và điều kiện đăng ký thì công dân sẽ được cấp phiếu tiếp nhận và hẹn ngày trả kết quả.
– Bước 3: Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của cơ quan công an.
Cuối cùng, căn cứ vào ngày hẹn trên phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả hồ sơ đăng ký để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú.
Đăng ký sổ hộ khẩu online
Bước 1: Truy cập link website https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/ của Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Bước 2: Đăng nhập vào tài khoản Cổng dịch vụ công Quốc gia rồi chọn đăng nhập (nếu đã có tài khoản). Còn nếu chưa đăng ký thì bạn chọn đăng ký tài khoản sau đó mới đăng nhập được.
Bước 3: Chọn “Đăng ký thường trú” tại mục Dịch vụ công trực tuyến ở trang chủ hoặc trong trang Đăng ký, Quản lý cư trú (trong mục Nộp hồ sơ).
Bước 4: Nhập thông tin, nội dung theo hướng dẫn trong tờ khai.
Lưu ý:
– Đối với thông báo tình trạng hồ sơ có thể nhận thông báo qua cổng thông tin hoặc qua Email.
– Đối với kết quả giải quyết có thể nhận thông qua 03 cách: nhận trực tiếp; qua Email hoặc nhận qua cổng thông tin.
Bước 5: Tích chọn xác nhận trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên và ghi hồ sơ.
Bước 6: Kiểm tra lại hồ sơ tại mục Tra cứu hồ sơ.
Một số quy định về vi phạm liên quan đến hộ khẩu thường trú
Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, công dân vi phạm những hành vi sau sẽ xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng:
- Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, tách hộ khẩu hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
- Không xuất trình sổ hộ khẩu, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xuất trình.
Xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi:
- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc làm sai lệch nội dung trong sổ hộ khẩu, mượn, cho mượn hoặc mua bán, thuê sổ hộ khẩu để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật (quy định tại mục a, b, c khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
- Cầm cố, nhận cầm cố sổ hộ khẩu hoặc hủy hoại sổ hộ khẩu (quy định tại mục g, h khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với các hành vi:
- Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi, thực hiện những hành vi trái pháp luật;
- Cản trở những người đang thực hiện quyền tự do cư trú;
- Môi giới hoặc nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (theo các mục a, b, c, e khoản 4 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) đối với một trong những hành vi sau:
- Cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật, làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký thường trú.
- Làm giả, sử dụng sổ hộ khẩu giả, sổ tạm trú giả để đăng ký thường trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác.
- Cản trở, không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Một số giải đáp về đăng ký hộ khẩu thường trú
Đăng ký thường trú online có cần xuất trình bản gốc hay không?
Theo Thông tư 55/2021/TT-BCA, trường hợp thực hiện đăng ký cư trú online nếu được Công an yêu cầu thì công dân vẫn phải đến xuất trình bản gốc.
Địa chỉ thường trú ghi theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân hay sổ hộ khẩu?
Sổ hộ khẩu là căn cứ để những cơ quan có thẩm quyền cấp xác nhận thông tin về mỗi cá nhân công dân. Chính vì vậy, khi ghi địa chỉ thường trú thì bạn cần ghi theo địa chỉ trên sổ hộ khẩu thường trú.
Phân biệt địa chỉ thường trú và chỗ ở hiện nay?
Hộ khẩu thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không bị giới hạn thời hạn tại một nơi ở nhất định. Còn chỗ ở hiện nay tức là chỗ ở tại thời điểm hiện tại của công dân. Chỗ ở này có thể thay đổi địa chỉ liên tục, thường xuyên và không cố định một chỗ.
Kết luận
Bài viết trên đây là những chia sẻ của diaoc101.com giúp bạn hiểu được khái niệm hộ khẩu thường trú là gì và những điều cần biết về hộ khẩu thường trú. Hy vọng có thể đem lại những thông tin hữu ích cho các bạn để chuẩn bị tốt hồ sơ và các thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú!